Trong những năm 20 tuổi, một trong nhiều bài học mà chắc chắn Py sẽ nhắc đến và nói nhiều kể cả khi không được hỏi chính là tập trung. Câu chuyện bắt đầu từ chiếc lá và đến giờ, nó vẫn đang rơi.

Rời cành

May mắn được ban tặng “skill” nghĩ nhiều, Py tận dụng khả năng đó mọi lúc, mọi nơi, mọi khía cạnh. Dĩ nhiên, điều gì nhiều quá cũng sẽ không tốt, nhất là khi nó vượt khỏi đường ranh giới và tự vận hành. Thế là những đêm không ngủ, những ngày chậm trôi1 ngày một chiều. Nghịch lý ở chỗ, nghĩ nhiều từng là hướng giải của nhiều vấn đề, nhưng không thể trở thành penicillin cho chính nó. 

Trong lần nói chuyện đầy ngẫu hứng vào nhiều năm trước, một người anh từng hỏi Py rằng: Em có bao giờ thử nhìn cái lá rơi chưa? Chỉ nhìn thôi, đừng hỏi vì sao nó rơi! Dĩ nhiên, thời điểm đó Py làm gì có đủ động lực để dành thời gian nhìn một cái lá rơi. Nhưng Py đã thử, và may mắn, Py nhận ra rằng: thế giới mình đang sống thật ồn ào.

Khi tầm mắt vẫn theo sát từng chuyển động của chiếc lá, có tiếng nói nào đó cứ liên tục vang lên trong đầu về những vấn đề dang dở chưa được giải quyết, nhiều nỗi lo về tương lai đầy bất định, vạn nỗi sợ vô hình không ngừng gọi tên Py… Để rồi đến khi chiếc lá chạm đất, Py mới giật mình là nó đã rơi. Py lại tiếp tục, với muốn chinh phục thử thách nhìn lá rơi. Lần này, Py trọn vẹn hơn với chiếc lá, nhưng không chạy thoát được những câu hỏi: nó sẽ rơi trong bao lâu, mặt nào sẽ chạm đất trước, vì sao lại như vậy… Thế là khi cơn gió nhẹ lướt qua, cuốn theo chiếc lá cùng câu hỏi mãi mãi không biết đáp án cuối cùng, Py lại bỏ lỡ đoạn “đang rơi”.

Đang rơi

Có một đoạn thời gian, trên social nói rất nhiều về “tỉnh thức” như một kiểu “phép màu” kéo con người ta ra khỏi phiền muộn để sống hạnh phúc hơn. Rồi đến thiền và chánh niệm cũng dần trở nên phổ biến khi được nhiều người nói đến và chia sẻ về nhiều tác dụng tích cực cho những suy nghĩ lạc lối. Thậm chí đến Google còn từng triển khai dự án Search Inside Yourself, khuyến khích nhân viên dành thời gian để thiền định. Dĩ nhiên, Py, vẫn đang bị cuốn giữ nhiều cuộn tâm tư, không để bản thân đứng ngoài những cuộc thảo luận đó.

Py bắt đầu với việc đọc (như một thói quen) để tìm hiểu về chủ đề xa lạ này. Hành trình này giúp Py biết đến “tâm thức”, “định tâm”, “tỉnh thức” qua luận giải của tác giả Michael A.Singer trong quyển sách Cởi trói linh hồn2. Hóa ra những tiếng nói trong đầu cũng có tên gọi, và việc liên tục bỏ lỡ chiếc lá đang rơi vừa là tất nhiên, cũng vừa là nhân sinh. Nếu đủ duyên, mong bạn sẽ dành thời gian đọc qua quyển sách này, xem như là cho mình cơ hội biết thêm cách giải thích khác về những gì diễn ra trong tâm trí, và khi biết nhiều hơn, đồng nghĩa với việc có nhiều lựa chọn hơn.

Theo Py hiểu, thật ra đại não luôn cố gắng diễn tả lại thế giới bên ngoài theo cách mà nó tin rằng sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những hiểm nguy, quá trình đó diễn ra theo cách rất tự nhiên đến mức không ai chất vấn vì sao nó phải làm việc đó. Thậm chí đến chiếc lá đang rơi cũng vô tình kích hoạt cơ chế này, và cuộc sống của chúng ta thì không chỉ có những chiếc lá. Do đó, tâm thức cứ liên tục bị kéo về nhiều hướng, và càng xa định tâm thì cảm giác hỗn loạn càng nhiều. 

Nên nguyên tắc cơ bản nhất là đưa tâm thức về định tâm, để quan sát và ngừng phán xét, đó là lúc bạn mở ra cho mình một thế giới rộng lớn hơn những gì đã được vẽ trong tâm trí, khi sự thật đang được làm đầy bởi khách quan. Vì khi thời điểm đó đến, Py chỉ thấy chiếc lá đang rơi và chỉ mỗi việc nó đang rơi, đến khi chạm đất thì chỉ đơn giản là nó chạm đất, quá trình này, Py đơn giản là người quan sát, không cần phán xét, không cần hành động.

Vẫn rơi

Py vẫn đang là người thực hành, vẫn đang đôi ngày trải nghiệm cảm giác hỗn loạn trước khi thật sự bình lặng. Có chăng khác biệt nằm ở việc Py bắt đầu biết mình đang bị cuốn đi. Khi một luồng suy nghĩ bất chợt kéo đến, Py không còn mặc định bám theo nó như trước. Thay vào đó, Py thử dừng lại, “nhìn” vào nó như thể đang nhìn một dòng người đi qua phố – không tên, không định nghĩa, không cần phản ứng.

Từ khi học cách này, Py bắt đầu hiểu rõ hơn về cái gọi là “tập trung”. Không phải là ép buộc bản thân phải chú ý, mà là biết cách chọn mình sẽ chú ý vào điều gì. Trong thế giới đầy xao nhãng, sự tập trung trở thành một dạng tài sản – không dễ giữ, nhưng giữ được thì rất quý. Tập trung là khi bạn đang làm việc nhưng tâm trí không lén lút đi lang thang. Là khi cuộc trò chuyện diễn ra, bạn không nhẩm tính danh sách việc cần làm sau đó. Là khi đọc sách, không lướt sang điện thoại chỉ vì có một dòng thông báo. Nghe đơn giản, nhưng để tâm trí không rơi khỏi nơi nó đang hiện diện – đó là một dạng rèn luyện.

Học lại cách thở là bài học vỡ lòng của Py. Thay cho chiếc lá, chính hơi thở sẽ trở thành đối tượng được quan sát. Nếu chưa quen, bạn có thể thử app Balance hoặc các video hướng dẫn thiền quan sát hơi thở. Quan trọng nhất, hãy cứ vị tha với chính mình để tâm thức tự tìm lấy cách tiếp cận phù hợp.

Sự thay đổi không đến theo ngày, hoặc thậm chí có thể mất đến nhiều năm – nên mong rằng, bạn cũng như Py, sẽ nhận được món quà mang tên “tập trung” từ chính những hành động nhỏ và bền bỉ này.


1. Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi là quyển sách Py chị Panda gửi cho. Món quà bé nhỏ mang ý nghĩa của sự hiện diện, lời quan tâm. Cám ơn chị nhiều.

2. “Cởi trói linh hồn” là một trong rất nhiều món đồ Py muốn mang theo khi lên đảo hoang, mong bạn cũng sẽ tìm được nhiều điểm thú vị từ quyển sách này tại đây.


Cám ơn bạn đã nán lại cho đến những dòng cuối cùng này.

Chúc bạn nhiều may mắn và bình an.

Anpy


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *