Lại là một buổi cà phê khác giữa Py và một người anh, nơi một câu hỏi được ném ra nhẹ tênh mà vẫn còn đọng lại đến tận bây giờ: Vì sao em cần có mục tiêu? Py lặng khoảng ba giây để định hình câu chữ, nhưng có lẽ lại vô tình dành nhiều thời gian để nghiền ngẫm câu trả lời khác ưng ý hơn.
Miễn nghị
Những lần viết văn nghị luận xã hội từ thời cấp hai đã cho Py, và có lẽ nhiều người khác, lượng chất liệu nhất định về ý nghĩa của mục tiêu. Vài cụm từ quen thuộc có thể kể đến như cải thiện chất lượng cuộc sống, động lực vượt qua khó khăn, cảm nhận và gìn giữ hạnh phúc giữa bộn bề tạp sự… Không những vậy, định kiến xã hội còn vạch sẵn cho chúng ta danh sách các mục tiêu “tiềm năng”, và đối với nhiều người thì chỉ cần chọn sẵn một hoặc một vài “bullet” từ đó và “shoot”. Thế nên, dù muốn hay không, loài người được lập trình để sống theo mục tiêu, và đây là luồng xử lý không thể đảo ngược.
Trở về với ly cà phê của nhiều năm trước, câu trả lời của Py ở thời điểm đó là thói quen. Py tự lý giải: mỗi lần dừng lại ở một mốc thời gian hiện tại để ngoái nhìn những mục tiêu cũ, thường có một luồng cảm xúc rất khó gọi tên – nửa là tự hào, nửa là biết ơn, len lỏi khắp các nếp gấp tâm trí, như thể toàn bộ hệ limbic và vùng dưới đồi lúc ấy đều hoạt động hết công suất để phát sóng một thông điệp chung: “Ổn rồi đó, đi tiếp đi.”
Thật ra não của chúng ta chỉ cần như thế, khi nhận định “có mục tiêu” là việc hiệu quả, nó sẽ tự động biến “luồng” này thành chương trình luôn ngầm chạy, chịu trách nhiệm thực hiện sứ mệnh cao cả là ngăn cản các tác vụ nguy hiểm như “shut down” và cả những việc thường nhật như thức dậy.
Vô phương hướng
Đến hiện tại, với Py, có mục tiêu là một loại chân lý, tương tự mặt trời mọc ở đằng đông, không cần thay đổi cũng không cần giải thích. Theo góc nhìn này, cuộc đời của mỗi người sẽ như một hành trình liền mạch và đan xen giữa tìm kiếm và hoàn thành mục tiêu. Tức là, lúc chưa có thì đi tìm, tìm có rồi thì thực hiện, thực hiện xong rồi thì tiếp tục đi tìm mục tiêu mới. Nên rõ ràng, việc “không có mục tiêu” cũng là chuyện rất bình thường.
Thật ra, áp lực phải có mục tiêu rõ ràng đôi khi khiến Anpy chùn bước, như thể không có đích đến là một tội lỗi. Nhưng đôi khi, chỉ cần vận động – tiếp tục việc tồn tại, đi gặp gỡ và trải nghiệm – là đủ để mục tiêu dần hiện ra. Paulo Coelho, trong Nhà giả kim, đã viết: “When you want something, all the universe conspires in helping you to achieve it.” (Khi bạn khao khát điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp sức giúp bạn đạt được).
Mỗi bước đi, mỗi lần tự vấn, mỗi khoảnh khắc thử nghiệm đều là những mảnh ghép tạo nên bức tranh ý nghĩa của đời người. Như câu ngạn ngữ Trung Quốc: “人生的意义在于不断追求” – Ý nghĩa của cuộc sống nằm ở sự không ngừng theo đuổi. Vậy nên, hãy tiếp tục bước đi, và mục tiêu sẽ tìm đến bạn.
Khởi sự
Đúng với tính chất của một thứ vô hình, mục tiêu không có định nghĩa, cũng không có quy chuẩn. Dù vậy, có nhiều cách tiếp cận để định hình mục tiêu, và một trong số đó là khái niệm Ikigai của người Nhật, cũng là từ khóa Py nhắc đến nhiều trên blog này. Ikigai nằm ở giao điểm của bốn yếu tố: điều bạn yêu thích, điều bạn giỏi, điều thế giới cần, và điều mang lại giá trị vật chất. Để tìm ra Ikigai, cần kiên trì đối thoại với chính mình, đặt câu hỏi: “Điều gì khiến mình hạnh phúc?”, “Mình có thể đóng góp gì cho thế giới?”, “Mình thực sự giỏi ở điểm nào?”. Đây không phải là một cuộc trò chuyện ngắn ngủi, mà là một quá trình dài, đòi hỏi sự tự phản ánh và không ngại thử nghiệm.
Hoặc thậm chí mỗi người có thể tự vạch ra con đường của chính mình trong hành trình với mục tiêu. Vì mục tiêu không phải là thứ cứ tìm sẽ thấy, mà đã thấy lại chưa chắc đúng thứ mình cần. Nên thay vì chờ đợi một mục tiêu hoàn hảo xuất hiện trong tâm trí, hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ. Thử học một kỹ năng mới, tham gia một dự án, hay đơn giản là dành thời gian cho những sở thích mà bạn từng bỏ quên. Như nhà văn Mark Twain từng nói: “The secret of getting ahead is getting started.” (Bí mật để tiến lên phía trước là bắt đầu). Mỗi bước đi, dù nhỏ, đều là cơ hội để khám phá điều bạn thực sự muốn theo đuổi.
Py viết những dòng này khi đang dần chạm tới một mục tiêu ấp ủ hơn mười năm: tiếp tục việc học. “Một đời này ta sẽ có mấy lần mười năm” – câu hỏi ấy từng khiến Py chạnh lòng, từng nghĩ mình đã đi quá xa để quay lại. Nhưng mục tiêu dài hạn là vậy, không phải lúc nào cũng hiện diện rõ ràng, mà kiên nhẫn chờ Py tích đủ lượng để chạm đến. Lão Tử từng nói: “千里之行,始于足下” – Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân.
Nên dù sẽ có những ngày mịt mù, dù mục tiêu có đổi thay, hành trình ấy vẫn đáng sống. Và như thế, chúc bạn và Py vẫn tiếp tục đi, không phải để đến đích, mà để tận hưởng từng nhịp bước, từng khoảnh khắc đời mình được định hình bởi chính những khát khao vô hình này.
Cám ơn bạn đã nán lại cho đến những dòng cuối cùng này.
Chúc bạn nhiều may mắn và bình an.
Anpy
Leave a Reply