Người giỏi sẽ biết cách tìm vị trí riêng cho mình

Lần đầu tiên xin nghỉ việc, anh sếp và mình đã có những buổi nói chuyện dài, về hành trình mình đã đi cùng team trong suốt một năm cùng những mâu thuẫn chưa được giải quyết và đưa mình đến quyết định rời đi. “Người giỏi sẽ biết cách tìm vị trí riêng cho mình” là một trong những điều anh đã chân thành chia sẻ và giúp mình nhìn thấy khía cạnh hoàn toàn khác của vấn đề.

—–

Lần đầu tiên xin nghỉ việc, mình đã soạn một email thật dài gửi xếp để bày tỏ nguyện vọng kết thúc công việc sau hơn 3 tháng suy nghĩ. Mail được gửi đi vào thời điểm tờ mờ sáng, nhưng thật sự lòng mình thì không đón nổi ánh bình minh. Khoảng vài ngày sau, anh sếp hẹn mình cà phê để có thể tìm hướng đi khác cho vấn đề này. Khi mình lần nữa giải bày về những khúc mắc của bản thân, anh sếp mình chia sẻ:

“Anh cũng cảm thấy bản thân anh có lỗi, trong một năm qua, cái anh nợ em là cơ hội phát triển.”

Mọi xao động trong suy nghĩ của mình dường như dừng lại một nhịp. Ngừng một chút, anh nói tiếp:

“Anh nghĩ là người giỏi sẽ biết cách tìm vị trí riêng cho mình, nhưng có lẽ là cách tiếp cận của anh chưa đúng lắm.”

Bây giờ ngồi viết lại, mình thật sự nể sếp mình về khoản giao tiếp, nhất là cách anh chọn lựa thứ tự thông điệp để gửi đến mình. Vì sau khi nghe đến câu này, tâm trạng của mình lại lần nữa rơi xuống vực, vì nhận ra mình không hề giỏi như mình nghĩ. 

Kết quả, mình vẫn lựa chọn rời đi, nhưng kể từ ngày nghỉ việc, câu nói “người giỏi sẽ biết cách tìm vị trí riêng cho mình” vẫn luôn canh cánh trong tâm trí mình. Mãi đến hơn 2 năm sau, khi hoàn thành bài thuyết trình về một giải pháp hoàn toàn mới, được các bên đồng thuận và sẵn sàng dành nguồn lực hỗ trợ, mình mới tự tin nói rằng bản thân đã giải mã thông điệp trên và sẵn sàng cho bài học kế tiếp. Và sau khoảng thời gian dài không liên lạc, mình đã đủ tích đủ dũng cảm để nhắn cho anh sếp:

“Gần đây có một số chuyện, làm em nghiệm ra thêm nhiều bài học chưa kịp hoàn thành khi còn ở team mình, nên em muốn cám ơn anh nhiều, cám ơn vì anh đã tạo điều kiện để em có những bài học này.”

Cụ thể hơn, mình nhận ra bản thân mình của những năm đầu đi làm bị thụ động. Mang tư tưởng của sinh viên mới ra trường sẽ được định hướng và chỉ dạy, mình đặt giá trị của bản thân theo những thang đo chung và hoàn toàn không thể chi phối. Điều này khiến cho mỗi bước đi của mình đều chệch choạng và không chắc chắn, vì không có một điểm tựa niềm tìm để bám vào, mà chỉ đơn giản là chạy theo những nguồn động lực từ bên ngoài – một loại điểm tựa mang tính thời vụ cao và rất nhanh thay đổi.

Dần dần, mình hiểu rằng “giỏi” vốn dĩ là do bản thân mình định nghĩa và đánh giá. Hay nói cách khác, mỗi chúng ta cần vạch ra bộ giá trị cốt lõi của chính mình, cũng chính là bản sắc, là thương hiệu của mỗi cá nhân. Hiểu được điều này, bản thân mình dần cảm thấy tự tin với những gì mình đang có. Dĩ nhiên, hành trình hiểu được mình không hề dễ dàng, thậm chí phải trải qua nhiều lần xây dựng, sụp đổ, và tái thiết lập. Nên thay vì đặt giá trị bản thân ở bên ngoài, đi theo thang đo, tiêu chuẩn hay định kiến, mình mong bạn có thể hướng trọng tâm về bản thân nhiều hơn. Mình luôn tin: sự tồn tại của mỗi cá nhân luôn gắn liền với một ý nghĩa, một sứ mệnh, ai cũng có giá trị riêng của mình, nên chắc chắn bạn cũng là một mảnh ghép không thể thiếu.

Và thật sự, “người giỏi sẽ biết cách tìm vị trí riêng cho mình”. Bắt đầu từ việc hiểu được mình, bạn cũng sẽ tự nhiên biết cách đặt bản thân vào những vị trí còn khuyết trong cả bức tranh lớn. Thái độ chủ động này xuất phát từ việc bạn đã “biết mình” cộng thêm việc “biết người”. Đặt trong bối cảnh đi làm, khi đã biết rõ bản thân đang có gì và cần gì, bạn sẽ dễ dàng trình bày những giá trị có thể mang đến cho doanh nghiệp và ngược lại, bạn cũng sẽ có cơ sở để chọn lọc và tìm kiếm những công việc phù hợp với bản thân. Vì bạn sẽ là người tự vạch ra hành trình phát triển tiếp theo cho chính mình, là người quyết định những cột mốc cần chinh phục. Đến tận cùng, bạn chính là tác giả viết nên câu chuyện của cuộc đời mình, nên dĩ nhiên, việc kiến tạo tình tiết, bối cảnh để nhân vật chính – là bạn – tỏa sáng là nhiệm vụ tối thượng của mỗi chúng ta.

Trở về với hành trình của mình, giai đoạn mới nghỉ công việc đầu tiên, thật sự mình cũng không biết bản thân có thể làm gì. Thế nên, mình dành nhiều thời gian nói chuyện với các anh, chị đi trước, với đồng nghiệp cũ, bạn bè thân thiết, dần dần mình thu nhặt được những tính từ cứ lặp đi lặp lại – đó là những phẩm chất tạo nên “mình”. Từ đó, mình đặt viên gạch tự tin đầu tiên: bản thân mình cũng khác biệt và có giá trị. Ngoài ra, mình còn làm thêm các bài kiểm tra tính cách để xác nhận lại điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, tìm kiếm hình mẫu của những người thành công từ ngoại hình, đến phong cách làm việc và cả lối tư duy. Nghe qua thì có vẻ mình đang tìm kiếm giá trị của bản thân mình đâu đó từ bên ngoài, nhưng về bản chất, mình hiểu rõ việc này chỉ giúp mình gọi tên các giá trị. Sau cùng, mình vẫn là người quyết định bản thân có theo đuổi những giá trị đó hay không.

Theo độ dài của hành trình trải nghiệm, màu sắc riêng của bản thân sẽ trở nên rõ ràng hơn. Dĩ nhiên, không ít lần những điểm mạnh mình tự tin lại trở thành điểm yếu khiến mình phạm sai lầm, nhưng chẳng sao cả, vì vốn dĩ không ai hoàn hảo và không gì có thể tồn tại mãi mãi. Nên việc cần làm chỉ đơn giản là ghi lại bài học, vận dụng và lại tiếp tục bồi đắp lại bộ giá trị cốt lại. 

“Thay thái độ, đổi cuộc đời” thực sự đúng với câu chuyện của mình. Từ vị thế thụ động, chờ đợi và phản ứng, mình đã chuyển sang chủ động, đón nhận và thích nghi. 

Thật ra, “giỏi” cũng là một lựa chọn mà bạn có thể theo đuổi hoặc không, chỉ là dù đang độc bước trong hành trình nào, mong là tất cả chúng ta luôn giữ được niềm tin ở bản thân và kiên định với giá trị của chính mình.

Cám ơn bạn đã nán lại cho đến những dòng cuối cùng này.

Chúc bạn nhiều may mắn và bình an.

Anpy


Comments

6 responses to “Người giỏi sẽ biết cách tìm vị trí riêng cho mình”

  1. Tên gì cho ngầu bây giờ Avatar
    Tên gì cho ngầu bây giờ

    Bài viết của tác giả dài quá.

    Tạm thời thử phân tích câu chuyện “Người giỏi sẽ biết cách tìm vị trí riêng cho mình”

    -> có lẽ đúng thật.

    Nhưng kỳ lạ là anh chưa đặt câu hỏi này bao giờ !? Kiểu chỉ quen cắm mặt vào làm thôi chứ không quan tâm mình giỏi hay không giỏi (hoặc cũng có thể tự ảo tưởng mình luôn ‘đủ giỏi’)

    Chỉ nghĩ là cứ làm hết sức, stay hungry, stay foolish thôi. Kết quả công việc sẽ nói lên tất cả. Kết quả tốt thì chắc chắn là mình giỏi rồi (95% còn lại là do may mắn thôi). Kết quả kém thì chắc chắn là do mình chưa giỏi (còn may mắn chiếm tận 5% cơ mà). Nhưng dù kết quả nào đi nữa thì đã làm gì cũng cần vui.

    Không vui nữa thì… nghỉ.

    1. Cám ơn anh đã quan tâm và chia sẻ quan điểm ở bài viết của em nha.
      Dạ giỏi cũng là một lựa chọn, “vui” cũng là một lựa chọn, miễn đến cuối cùng vẫn có thể giữ vẹn tâm sơ theo đuổi lựa chọn của mình là hạnh phúc rồi ạ.

  2. mình thích mindset này, một viên ngọc sáng sẽ toả sáng ở nơi phù hợp với nó, thay vì ngồi chờ sự thay đổi của thế giới xung quanh thì bản thân mình “nhấc mông” lên thay đổi chính mình, thay đổi ngoại hình, thay đổi nhận thức, thay đổi thái độ với cuộc sống <3

    1. Cám ơn QN, chúc chúng ta rồi sẽ toả sáng ở bầu trời của mình.

  3. Lemon'sTribe Avatar
    Lemon’sTribe

    Đồng cảm với quan điểm “Thay thái độ, đổi cuộc đời”. Cách mình tư duy sẽ quyết định thái độ và hành động của mình, đồng thời cũng sẽ tác động lên thành quả mà mình tạo ra. Ai cũng có điểm mạnh và điểm cần cải thiện riêng của mình, hiểu bản thân chính là bước đầu giúp bản thân giỏi hơn và có thái độ sống đúng hơn.
    Cảm ơn chia sẻ của Anpy, chúc em sẽ còn giỏi hơn nữa và chia sẻ được nhiều điều hay đến nhiều độc giả hơn nữa.

    1. Cám ơn chị sếp đã ủng hộ hành trình của em.
      Mong sớm được theo dõi các chia sẻ của chị ạ. <3

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *