Từ những năm cấp 2, Py đã được nghe đến luận điểm “ Học để làm người tự do”1 qua các đề văn nghị luận xã hội. Dù đã đọc qua nhiều bài mẫu, hoặc thậm chí thuộc cả dàn ý, nhưng Py của những năm ấy thực sự không hiểu và không cảm được “tự do” của việc học. Đến hiện tại, gần tam thập, Py đã có thể tự khẳng định với chính mình: Py thích học và việc học thật sự tự do.
Có một đoạn lời thoại trong bộ phim Câu chuyện hoa hồng Py cực kỳ ấn tượng. Lúc con gái của nhân vật Hoàng Diệc Mai hỏi về việc vì sao “lớn ngần ấy rồi” vẫn đi học rồi đi thi, vốn là những chuyện rất áp lực, cô ấy trả lời: “Khi con biết cách học tập, thích học gì thì học, cần học gì thì học, thế là con tự do rồi.” Vô tình, đoạn thoại này gợi nhắc Py về hành trình đi học của mình.
Thật sự mà nói, 12 năm học phổ thông có chút áp lực, cụ thể là áp lực thành tích. Giai đoạn đó Py chỉ biết vùi đầu vào học, học hết sách giáo khoa, thì đến sách bài tập, thuộc hết nội dung trong sách rồi thì lại luyện tiếp đề cương thầy cô giao cho. Py thời điểm đó đối với việc học không ghét cũng không thích, chỉ là nếu không học, Py cũng không biết làm gì khác. Có thể nói, Py đi học vì xung quanh Py ai cũng đi học. Thậm chí đến cách học cũng hoàn toàn theo khuôn mẫu, chuẩn bị bài, học trên lớp, về nhà học bài, ôn tập để thi cử. Cũng có lẽ vì vậy mà việc học đối với Py không được tự do vì từ cách thức đến nội dung đều “phải” đi theo chuẩn có sẵn.
Đến khi lên đại học, cách dạy và học cũng có nhiều thay đổi. Rõ ràng nhất là ở việc kiến thức ở đại học rất nhiều, dù có dành hết thời gian để học cũng không thể thuộc lòng và thẩm thấu hết. Do đó, Py dần học cách chọn lại những điều quan trọng để nhớ và tập trung nhiều hơn. Chẳng hạn như một phần kiến thức của môn Triết học, Pháp luật đại cương, Marketing cơ bản, Quản trị rủi ro, Tài chính doanh nghiệp, … vốn rất cần trong cuộc sống và công việc hàng ngày, nên Py chú tâm cho các môn này hơn. Ngoài ra, ở đại học cũng bắt đầu xuất hiện các môn tự chọn, nhưng Py lại chọn những môn có lịch học phù hợp để đi làm thêm và tốt nghiệp sớm, rõ ràng, “tự chọn” không nên được hiểu theo nghĩa này. Nên là, đến đại học, Py vẫn tiếp tục học như thói quen từ nhiều năm trước, đi theo con đường có sẵn và không biết cách hỏi bản thân vì sao lại là con đường này.
Thậm chí đến khi đi thực tập, Py cũng chưa thoát khỏi tư tưởng đó. Thế là Py chọn đi phỏng vấn và học việc ở những vị trí mình nghĩ mình có thể làm và sẽ được “cầm chuột” chỉ việc. Và đúng là ở vị trí thực tập sinh, Py chỉ cần hoàn thành đúng theo hướng dẫn của anh/chị, không khác gì mấy những ngày học ở trường phổ thông hay đại học.
Rồi khi có công việc chính thức, Py mang hết kiến thức và kinh nghiệm từ công việc thực tập để vận dụng. Chỉ là càng làm thì lại càng thấy bản thân thiếu nhiều kiến thức chuyên môn – cụ thể là Digital Marketing nói riêng và Marketing nói chung, những lĩnh vực không thuộc chuyên ngành của Py. Thế là lên mạng, thấy có hội nhóm trên Facebook cứ tham gia vào trước đã, ai chia sẻ tài liệu miễn phí để xin về để đọc, hỏi được anh/chị đi trước phần nào thì sẽ hỏi. Theo đúng nghĩa đen vừa học vừa làm, học được cái gì thì làm cái đó, làm đến đoạn thấy không chắc chắn là đi tìm tòi. Cứ như vậy, Py dần học một cách tự do, tự quyết định những gì mình muốn học, muốn hiểu để phục vụ cho mục tiêu của chính mình.
Hành trình học tự do của Py vốn không độc hành mà diễn ra song song với tìm kiếm cách trả lời những câu hỏi lớn của cuộc đời, trong đó quan trọng nhất là “Py đến Trái Đất để làm gì?”. Khi đã xác định được thứ mình muốn theo đuổi, Py cũng sẵn sàng để nhiều dòng kiến thức chảy qua bản thân và rồi chủ động chọn lại những gì thật sự hữu ích. Học như vậy, không chỉ tự do mà còn rất vui. Đúng vậy, học cũng là một chuyện mang đến niềm vui. Ví dụ, thật ra Py học không giỏi, chỉ là sau mỗi lần vùi đầu tìm hiểu điều gì đó, Py thấy bản thân mình thật khác, vẫn đang vận động và phát triển, như vậy thôi cũng là một niềm vui.
Đồng thời, học không phải là việc gì phức tạp, chỉ cần có mình và kiến thức là đủ. Trường lớp, thầy cô, bạn học,… thật ra chỉ là thành phần giúp đa dạng trải nghiệm học2 thôi. Thậm chí trao đổi với đồng nghiệp về cách làm một nhiệm vụ khó, tìm đọc các blog chia sẻ kinh nghiệm cũng là học. Nên quan trọng nhất là luôn giữ được niềm vui và động lực đối với việc họ, đây cũng là một trong nhiều luận điểm ủng hộ việc trui rèn kỹ năng tự học. Với sự phát triển của công nghệ, tốc độ sản sinh kiến thức ngày một nhanh, nên chỉ cần dừng học là đồng nghĩa với việc chấp nhận đứng phía sau thời thế. Gần đây, sự bùng nổ của AI cũng là tín hiệu cho thấy việc tự học cần được xem trọng, vì không thể đợi đến khi mọi thứ chuẩn chỉnh và được “dạy” rồi mới học, mà chính mình phải biết chủ động vun bồi những gì cần thiết trên hành trình theo đuổi mục tiêu của bản thân.
Có đôi khi, học không cần hướng đến mục tiêu cụ thể nào cả, chỉ là theo sở thích, làm việc mình thấy vui cũng được. Vì không ai biết được chính xác cần và không cần học gì. Do đó, nếu có điều kiện cứ đắp thêm kiến thức, biết đâu một ngày nào đó bạn sẽ nhận thấy mọi thứ liên kết với nhau theo một cách không thể ngờ trước và mở ra nhiều cánh cửa cơ hội. Như Steve Jobs từng nói: “You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backward. So you have to trust that the dots will somehow connect in your future.” (Tạm dịch Bạn không thể nối kết những dấu chấm khi nhìn về phía trước; bạn chỉ có thể nối kết chúng khi nhìn lại đằng sau. Vì vậy, bạn cần giữ niềm tin rằng bằng cách nào đó những dấu chấm này sẽ kết nối với nhau trong tương lai)3.
Đến hiện tại, Py vẫn đang học mỗi ngày. Học tiếng Anh, tiếng Trung, học viết blog, làm podcast, biên tập video, nếu có điều kiện Py cũng muốn học lái xe, học múa nữa. Có những thứ cũng không biết học rồi có dùng không, nhưng mà thích học, nên Py sẽ vẫn chọn theo đuổi, chí ít, Py muốn thấy bản thân mình khác hơn mỗi ngày.
Mong rằng vài dòng chia sẻ trên sẽ giúp bạn có cái nhìn khác về việc học. Về chủ đề này Py cũng từng chia sẻ trên Thread, hy vọng đủ duyên cùng bạn luận thêm nhiều cách tiếp cận về chuyện học ở đây.
[1] Mượn ý từ bài chia sẻ của Tiến sĩ Giáp Văn Dương, Học để làm người tự do
[2] Liên quan đến trải nghiệm học, cũng có nghiên cứu về cách học phù hợp với mỗi người, bạn có thể tham khảo thêm ở Learner Types: Bạn là ai? từ blog Lemon’s Tribe.
[3] Đoạn phát biểu đầy đủ của Steve Jobs là: “You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards. So you have to trust that the dots will somehow connect in your future. You have to trust in something — your gut, destiny, life, karma, whatever. This approach has never let me down, and it has made all the difference in my life.”
Cám ơn bạn đã nán lại cho đến những dòng cuối cùng này.
Chúc bạn nhiều may mắn và bình an.
Anpy
Leave a Reply