Những ngày đầu tiên

Nếu buộc phải chọn đâu là thành công lớn nhất của bản thân sau khi tốt nghiệp đại học, Py sẽ kể về “Chuyện trái ngành” của mình, từ cô sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại của trường Đại học Ngoại thương đến Senior Product Owner tại một trong những công ty product có tiếng trên thị trường ví điện tử. Nhưng thật ra đối với Py, thành công lớn nhất không phải là chức danh “Senior” mà là hành trình chuyển ngành đổi nghề nhiều ý nghĩa.

Nhìn lại các bước ngoặt

Thật sự rất khó để chọn một sự kiện hoặc sự việc nào đó để gán mác cơ hội chuyển ngành, nhưng nhìn lại thì Py thấy mình may mắn vì từ lúc bắt đầu đi làm đã gặp được nhiều anh, chị tâm huyết và đam mê ở các start-ups. Không chỉ vậy, các anh, chị cũng tạo nhiều cơ hội để Py được học hỏi và trải nghiệm công việc ở các teams khác nhau. Thông qua đó, Py dần nhìn thấy ngày một rõ ràng điểm mạnh, điểm yếu của bản, cũng như có câu trả lời cho những câu hỏi lớn trong đời: “Py đến trái đất này để làm gì?”,  “Py chọn đi làm để làm gì?”, và “Vì sao Py chọn chuyên môn hiện tại?”. Từ đây, Py tìm thấy nghề BA hay PO, các vị trí non-tech phổ biến trong ngành Product Management, một chất liệu thích hợp để xây dựng sự nghiệp và dần hoàn thiện bản thân. 

Ba tháng đầu chuyển ngành, Py thật sự không hiểu mọi người trong team nói gì. Nào là FE, BE, API, client, server, system… tất cả đều quá mới mẻ và xa lạ. Điều đáng nói hơn, dù đã search và đọc docs, trải nghiệm các tính năng đang có trên app lúc đó, Py vẫn cảm giác lạc lõng, phần vì không biết bắt đầu từ đâu, phần vì nếu biết điểm bắt đầu thì cũng không biết tìm hiểu đến mức nào là đủ. May mắn, giai đoạn đó Py được anh PM, chị BA, QC, các anh em Dev hỗ trợ rất nhiều, “mắng” cũng nhiều. Và khoảng bốn tháng sau đó, khi đội dự án giải thể do ảnh hưởng của đại dịch, Py đã tự tin ứng tuyển các vị trí trong ngành product. Kết quả, Py chính thức nhận công việc mới với vai trò PO. 

Từ đó đến nay cũng đã ngót nghét 5 năm, bộ dụng cụ mỗi ngày một nhiều và mức độ thành thạo mỗi công cụ cũng tăng dần. Và điều hạnh phúc nhất, như Py từng chia sẻ ở bài viết Người làm sản phẩm: Py hạnh phúc vì mình vẫn đang làm sản phẩm, theo cách Py hay nói là giải quyết vấn đề bằng giải pháp có công nghệ. Có thể nói, đây cũng chính là “sơ tâm” Py vẫn giữ từ những ngày đầu đi làm nói chung và vào ngành product nói riêng.

Nhập ngành

Đến thời điểm hiện tại, các vị trí BA, PO hay PM vẫn được xem là những công việc tương đối “hot” trên thị trường. Có thể là do “halo effect” từ sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin trong giai đoạn đại dịch, hoặc cũng có thể là công nghệ ngày càng trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống, chưa kể đến tốc độ phổ rộng mạnh mẽ của AI trong thời gian gần đây. Dù vậy, rào cản vào ngành hiện tại đã rất khác, vì cũng đã có nhiều khóa học, chứng chỉ được công nhận rộng rãi để bảo chứng chuyên môn cho những người làm product. Thế nên, với các bạn mong muốn đi theo con đường này, có thể cân nhắc hai điểm sau:

  1. Hiểu ngành, hiểu nghề, hiểu mình

Trước khi bắt đầu lựa chọn và theo đuổi một công việc, một ngành nghề hay một lĩnh vực, việc thực hiện bước tìm – hiểu vô cùng quan trọng. Đầu tiên là tìm thấy bản thân, nhận ra điểm mạnh, yếu để hiểu được động lực khiến bạn thức dậy mỗi ngày và dấn thân vào lao động. Tiếp đến là tìm thông tin về công việc muốn làm để hiểu được yêu cầu thực sự về năng lực và phẩm chất mà ngành nghề đòi hỏi. Sau đó, các bạn nên ngồi xuống để ráp lại mảnh ghép “công việc” vào bức tranh cuộc đời, việc này sẽ giúp các bạn chuẩn bị tinh thần cũng như trang bị một lượng kiến thức tương đối để sẵn sàng trải nghiệm công việc mới. Ngoài nguồn dữ liệu thứ cấp sẵn có, các bạn cũng nên chủ động kết nối với các anh, chị đi trước trong ngành, vì chỉ có người trong cuộc mới hiểu được những góc khuất mà JD không đề cập đến. 

Đến thời điểm hiện tại, thật sự là Py cũng không thể trích dẫn một (vài) bài viết uy tín để dẫn chứng ngành này như thế nào và đòi hỏi những người làm nghề có phẩm chất ra sao. Vì quá trình này, bạn nên là người tìm hiểu và trải nghiệm, cũng không nên tự đóng khuôn mình theo một khuôn mẫu. Chỉ là nếu bạn cần có nơi nào đó để chia sẻ cách nghĩ, cách nhìn của bạn, mong rằng anpylogue có thể trở thành lựa chọn giúp bạn cảm thấy thoải mái để gửi lại vài dòng suy tư cuối bài viết này.

  1. Học, học nữa, học mãi

Thật ra không chỉ đối với nghề product, mà ngành nghề nào cũng vậy, những người làm nghề cần học, hoặc thậm chí là tự học rất nhiều. Nguồn tài liệu ngày nay cũng rất đa dạng, và nếu có thể, hãy trao dồi thêm tiếng Anh để sớm tiếp cận với những kiến thức mới trên thế giới. 

Nếu bạn là newbie với nghề, hãy học càng nhiều càng tốt, trước khi chọn cho mình một hoặc một vài chuyên môn để theo đuổi trong trung hạn (3-5 năm). Theo hướng trở thành non-tech BA, PO hay PM, bạn có thể bắt đầu với các từ khóa:

  • How to become Business Analyst/Product Owner/Product Managers
  • Software development life cycle (SDLC) 
  • Agile Methodology, Scrum Framework

Còn nếu bạn muốn chuyển ngành – như trường hợp của Py, hãy ngồi xuống viết lại bạn đã có sẵn những kỹ năng/cách tiếp cận nào có thể “tái sử dụng” khi chuyển ngành. Từ đó tiếp tục tìm học tập và trao dồi thêm các mảng kiến thức/kỹ năng còn thiếu. Ví dụ như Py, vì xuất phát từ marketing nên các kỹ năng Py sẵn có là market research, project management,…; khi chuyển ngành, ngoài việc học thêm kiến thức từ các từ khóa đề cập ở trên, Py cũng liên tục cập nhật thêm về product discovery/delivery, UX research… để bổ trợ cho công việc làm product. 

Dĩ nhiên, các kỹ năng bắt buộc cần có khi đi làm như là teamwork, communication, presentation… mặc nhiên cần có. Ngoài ra còn có domain knowledge. Tức là nếu bạn làm tính năng để user đăng ký thẻ tín dụng trên app thì nên tìm hiểu về quy trình đăng ký, điều kiện xét duyệt, chính sách ưu đãi và cả các điều khoản phạt, thậm chí là sự phát triển của mô hình PNPL – Buy Now Pay Later – trên thế giới và tốc độ phát triển tại Việt Nam. Nếu bạn cần build tính năng để bộ phận marketing có thể chủ động set-up chương trình khuyến mãi thì nên thu thập thông tin về việc một chương trình được lên ý tưởng, xét duyệt như thế nào cho đến khi vận hành thực tế và đối soát. Kiến thức loại này sẽ dần tích lũy trong quá trình thực chiến, và là phần không thể thiếu để PO hiểu đúng vấn đề và đưa giải pháp phù hợp. Còn ở những ngày đầu, hãy chuẩn bị một lượng domain knowledge liên quan đến sản phẩm của công ty bạn muốn ứng tuyển, bước đệm này ít nhất sẽ giúp bạn dễ dàng nắm bắt vấn đề khi vào chính thức vào việc.

Nói thêm một chút về việc ứng tuyển các vị trí non-tech trong ngành product, thật ra, trên thực tế, còn rất nhiều chức danh “nghe” có vẻ tương đồng với PO, BA hay PM, ví dụ như: Product Analyst, Product Lead, Product Executive… Do đó, khi ứng tuyển cho một công việc nhất định thì khẩu quyết vẫn luôn là: tìm hiểu thật kỹ JD để hiểu rõ phạm vi công việc, tính chất dự án (hướng đến người dùng là ai, đang trong giai đoạn phát triển nào) và các yêu cầu về kỹ năng chuyên môn – gồm cả kỹ năng cứng và mềm. 

Ngoài ra có một điểm mà theo Py quan sát cũng gây nhiều tranh cãi: chức danh “manager” nhưng chưa chắc là “manager”. Về điểm này, Py được một anh PM chia sẻ như sau:

  • Vai trò (role) thường đại diện cho chuyên môn, hay một nhóm kỹ năng để giải quyết một “đoạn” trong cả quy trình; ví dụ, quản lý dự án (project management) là một chuyên môn, nên (thường) project manager là người đảm nhiệm mảng chuyên môn này.
  • Vị trí (position) là cấp bậc của một nhân viên trong sơ đồ tổ chức (organization charts hoặc hierarchy charts), ví dụ như cấp độ quản lý cấp trung – manager – chịu trách nhiệm quản lý một hoặc một vài nhân viên, quản lý cấp cao – C-level – đảm nhiệm việc quản lý nhiều managers.

Thế nên, việc tìm hiểu về cấp bậc báo cáo (reporting lines) của vị trí ứng tuyển cũng quan trọng không kém. Vì ở mỗi vị trí, ngoài việc cần đảm bảo kỹ năng chuyên môn (professional/technical skills) thì ứng viên còn cần đáp ứng những yêu cầu khác về kỹ năng quản lý con người (Human/Interpersonal Skills).

Cám ơn bạn đã nán lại cho đến những dòng cuối cùng này.

Chúc bạn nhiều may mắn và bình an.

Và chúc chúng ta đều được làm những điều mình thích, đồng thời, cũng thích những điều mình làm.

Anpy


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *