Có một đoạn thời gian Py cảm thấy bản thân bị lạc trong ngành Product Management, không biết nên gọi mình à BA – Business Analyst, PO – Product Owner, hay PM – Product Manager. Vì thành thật mà nói, khoảng cách giữa lý thuyết, tức là định nghĩa theo BABOK hay các tổ chức uy tín như Scrum.org, Reforge, và thực tế cách nhau tương đối xa, chưa kể đến việc các chức danh còn được nhiều công ty sử dụng như một chiến lược tuyển dụng để thu hút sự quan tâm của nhiều ứng viên.
Tạm hiểu về BA, PO và PM
Theo trải nghiệm của Py ở các dự án/công ty đang trong quá trình xây dựng sản phẩm hoặc đã có sản phẩm chạy ổn định, cũng như mô tả công việc (job descriptions) của BA, PO, PM trên thị trường lao động hiện tại, thì giữa BA, PO, PM có một vài điểm chung, như là:
- Hướng tới việc tạo ra sản phẩm/tính năng để giải quyết nhu cầu của người dùng (có thể là end-users hoặc internal teams) là mục tiêu cuối cùng
- Cần tương tác với nhiều teams, gồm cả stakeholders và các teams chuyên môn, để tiếp nhận yêu cầu, phân tích vấn đề và đề xuất giải pháp (sản phẩm/tính năng)
- Đòi hỏi kỹ năng sử dụng số liệu, tư duy phản biện (critical thinking), tư duy logic… trong quá trình xử lý thông tin và đưa ra quyết định phù hợp.
Song song đó, các điểm khác biệt cơ bản là:
- Business Analyst: Là người “giải mã” nhu cầu của user (hoặc requester), đưa ra các giải pháp kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu đó.
- Product Owner: Là đại diện cho user trong nhóm phát triển, ưu tiên các tính năng và đảm bảo sản phẩm được phát triển đúng theo yêu cầu, cũng có thể được xem là người viết ra danh sách yêu cầu cho BA.
- Product Manager: Có tầm nhìn tổng quan về sản phẩm, chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ khâu lên ý tưởng đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường, hoặc đưa vào vận hành (đối với các sản phẩm phục vụ internal teams) – để dễ hình dung thì PM là người đặt yêu cầu cho PO và đồng thời chịu trách nhiệm phối hợp với nhiều teams khác ngoài team làm sản phẩm.
Một gợi ý nhỏ là bạn có thể “nhờ” chatGPT hay Gemini để so sánh những điểm giống và khác nhau giữa ba vị trí phổ biến này. Và dĩ nhiên, câu trả lời từ Generative AI “không đúng hoàn toàn, không sai quá đáng”, nhưng chí ít, đoạn tổng hợp đó sẽ giúp bạn có thêm cơ sở để phân biệt BA, PO và PM.
Gọi tên hành trình
Nhìn lại chặng đường hơn nửa thập kỷ trong nghề, mặc dù chức danh chỉ gói gọn là PO nhưng thực tế thì tùy vài giai đoạn phát triển của sản phẩm/dự án mà Py sẽ đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau. Ví dụ như ở dự án Multi-Bill Payment, Py cần thể hiện vai trò của BA nhiều hơn, từ việc phân tích các hệ thống sẽ trao đổi những thông tin gì với nhau để thực hiện lệnh thanh toán, cho đến việc tài liệu hóa lại các quy trình xử lý kỹ thuật đã được đồng thuận; còn ở team Pixie, hầu hết thời gian Py cần vào vai PM, từ việc tham gia xác định MVP của sản phẩm, mục tiêu ngắn/dài hạn của gotpixie.com, đến việc hỗ trợ marketing kết nối với experts hay tái định vị thương hiệu (re-positioning); đối với dự án CRM, vai trò của Py thiên rõ về PO, là đầu mối tiếp nhận yêu cầu của nhiều bên, trao đổi, phân tích, phản hồi hướng xử lý phù hợp với mỗi yêu cầu, “quyết định” thứ tự ưu tiên của tính năng để đảm bảo cân bằng giữa việc giải quyết đúng nhu cầu và time-to-market (thời gian cần thiết để hoàn thành giải pháp từ khi tiếp nhận yêu cầu đến lúc release).
Đến đoạn này thì có lẽ phần nào bạn sẽ thấy Py đang theo đuổi con đường “generalist”1, tức là người có kĩ năng, kiến thức và kinh nghiệm tổng quát trên nhiều lĩnh vực. Nhưng quan trọng hơn tất cả, Py hạnh phúc vì mình vẫn đang làm sản phẩm, theo cách Py hay nói là giải quyết vấn đề bằng giải pháp có công nghệ. Nếu không chia theo vai trò BA, PO, PM, mà đối chiếu theo Product Management Tower của chú Hiếu TV2 thì có lẽ Py may mắn được kinh qua từ tầng 3 đến tầng 10, và tất nhiên, không phải tầng nào Py cũng có thể trải nghiệm “sâu”, mà chỉ ở một mức độ cần thiết để phục vụ cho mục tiêu cuối cùng của dự án hoặc công ty.

Có một cái tên rõ ràng cho hành trình mình đang theo đuổi đối với Py như một ngọn hải đăng. Vì con đường này vốn dĩ có rất nhiều ngã rẽ (từ generalist trở thành specialist), nên xác định rõ mục tiêu dài hạn – trở thành “người làm sản phẩm” – là cách đơn giản nhất để tránh lạc lối trong ngắn hạn.
Thật lòng, Py không hy vọng bài viết này có thể giúp bạn trả lời câu hỏi làm BA, PO, PM là làm gì, mà thay vào đó, Py mong phần nào sẽ giúp bạn có cái nhìn đầy đủ hơn về việc làm BA, PO, PM để làm gì. Vì mỗi ngành mỗi nghề đều có một sứ mệnh riêng cần hoàn thành, thế nên, nếu có thể, hãy chọn một công việc vì bạn muốn được dấn thân và theo đuổi sứ mệnh đó, thay vì những phần thưởng đi kèm như chức danh hay lương thưởng.
[1] Về generalist và specialist, bạn có thể tham khảo thêm Làm chuyên gia hay Làm quản lý – Tìm việc làm năm mới 2024, video chia sẻ của cô Lê Diệp Kiều Trang trên channel CEO Labs
[2] Về Product Management Tower, Py trích từ video của chú Hiếu TV ở Product Management for Managers
Ngoài ra, trong quá trình viết bài này, Py cũng tham khảo:
- Crafting Your PM Career with Four Types of Product Work, bài viết trên Substack của Heidi, một Product Manager đa tài và nhiệt huyết
- Muôn nẻo đường BA (phần 1 và 2), hai trong số rất nhiều bài viết thú vị trên blog Thinhnotes.com, địa chỉ quen thuộc của nhiều người làm nghề.
- Product Ownership Model 4: Product Manager, Product Owner, and Business Analyst
Cám ơn bạn đã nán lại cho đến những dòng cuối cùng này.
Chúc bạn nhiều may mắn và bình an.
Anpy
Leave a Reply