Nhân vật ba phần thật, bảy phần giả, chỉ có bài học, thông điệp Py được nhận và sự biết ơn của Py với các anh, chị, em đã dành thời gian cho Py là điều chắc chắn nguyên bản.
Anpy
Một buổi chiều Sài Gòn không mưa, Py có dịp ngồi cà phê với một người anh đi trước trong nghề product. Nói một chút về bản thân, tính đến hiện tại, Py đã chọn và gắn bó với mảng product development (phát triển sản phẩm) cũng đã gần 5 năm, trong đó phần lớn thời gian là dành cho MoMo. Và đây là một phần câu chuyện, có nhiều keywords (từ khóa) – theo Py là – hay cũng như mang đến cho Py góc nhìn mới về career path của mình.
Người anh: Anh thấy em làm có vẻ nhiều domain đó.
Anpy: Dạ bản thân em cũng thấy nhiều, mà thật ra chắc là “thân bất do kỷ”, chỉ là qua nhiều dự án như vậy em nghĩ mình nhìn được nhiều user insight[1] trong journey[2] chọn và sử dụng các sản phẩm fintech.
Người anh: Vậy định hướng tiếp theo của em là gì?
Anpy: Dạ em vẫn muốn đi theo nghề này, chưa nói đến domain[3] thì thông qua việc làm sản phẩm em thấy bản thân mình phát triển mỗi ngày. Với lại em thấy fintech vẫn hay, như ít nhất em thấy MoMo thật sự thành công trong việc thay đổi thói quen dùng tiền mặt. Mà dòng tiền đi nhanh thì những thức khác cũng sẽ nhanh, chất lượng cuộc sống của tốt hơn.
Anh vẫn lắng nghe chia sẻ của mình, chỉ là ánh mắt đâu đó có phần hờ hững.
Anpy: Mặc dù em chưa có dịp chứng kiến với trải nghiệm tận mắt, nhưng em nghĩ Thành phố Hồ Chí Minh rồi sẽ sớm phát triển như Bắc Kinh, cứ cầm điện thoại là có thể thanh toán. Em nghĩ đơn giản, dòng tiền đã mượt, thì doanh nghiệp cũng sẽ có thể dành nhiều nguồn lực để cải thiện chất lượng sản phẩm hay dịch vụ.
Anh thoáng thay đổi tư thế, bắt chéo chân, ngả người về sau, hớp nhẹ một ngụm cà phê và tiếp nối câu chuyện.
Người anh: Anh nhìn hơi khác nha. Thật ra MoMo hay ZaloPay, hay nói chung là các ví điện tử chỉ đang giải quyết mặt utility, tức là làm sao để việc thanh toán online dễ tiếp cận hơn, nên em sẽ thấy các bên này dành rất nhiều nỗ lực để tích hợp càng nhiều services[4] càng tốt hay cải tiến về UX[5]. Chứ còn em nói về dòng tiền là nói về facility rồi, mà về câu chuyện payment facility ở Việt Nam thì nên nói đến NAPAS, hay gần với em chắc là VietQR. Thói quen thanh toán thật ra bị ảnh hưởng nhiều bởi facility hơn là utility. Như ở Sing, thẻ tín dụng vẫn chiếm ưu thế, expat[6] nhiều, nên em sẽ thấy VISA hay MASTER sẽ phổ biến hơn hẳn.
Mình chỉ lẳng lặng nghe anh chia sẻ, ngón tay nghịch ngợm vuốt theo vệt nước đọng trên thành ly cà phê, lòng thoáng bối rối vì lượng thông tin anh vừa chia sẻ.
Người anh: Nên em sẽ thấy, MoMo dù sao đi nữa cũng là trung gian thanh toán, MoMo hay ví điện tử nói chung có thể làm tốt là duy trì lợi thế cạnh tranh về utility, UX hay thậm chí bây giờ phải là CX[7]. Chỉ là cuộc chơi bây giờ cũng khác nhiều rồi, kể cả ngân hàng số hay hay ngân hàng truyền thống cũng dần phát triển thêm theo hướng này. Như em thấy đó, có nhiều dịch vụ hoàn toàn có thể thanh toán trực tiếp từ app ngân hàng rồi, chứ không nhất thiết phải đi qua thêm một lớp trung gian thanh toán làm gì.
Anpy: Dạ em vẫn thấy cuộc chơi có nhiều players thì users sẽ được hưởng lợi nhiều nhất thôi anh. Như em quan sát ở công ty em, đúng là cái tụi em đang làm tốt nhất là utility, hơn 100 dịch vụ được tích hợp trong 1 app, với bên em cũng đang có 1 vài dự án đi nhiều hơn về CX như là quản lý chi tiêu. Em thấy sứ mệnh của dự án này cũng hay là phổ cập tài chính[8], keyword này em có tìm hiểu thêm thì thật đã được nhà nước đề cập từ nhiều năm trước rồi á anh.
Người anh: Ừm, anh không phủ nhận, mà như anh nói đó, các ngân hàng cũng được tạo nhiều điều kiện hơn ngày trước rồi, nên ví điện tử làm được gì thì có thể các ngân hàng rồi cũng sẽ làm được. Cái đó là chưa tính đến cuộc đua về UX cũng khoai à.
Anpy: Em nhớ ngày trước anh có nói, đến một lúc nào đó, công nghệ Việt Nam cũng sẽ phát triển như nước ngoài, users ưu tiên chọn app có UX, xài sướng là được.
Người anh: Ừm, kinh tế trải nghiệm mà[9]. Mà quay lại, còn mê fintech nữa không?
Anpy: …
Mình cũng không biết nên trả lời thế nào, đúng là mình nghĩ fintech vẫn còn nhiều bài toán hay, chỉ là hình như mình mê giải các bài này hơn là fintech.
Anpy: … Hm… Dạ em nghĩ là em không mê fintech đâu anh, cái cuối cùng mà em muốn theo đuổi là CX, đem lại cái gì tiện lợi, có giá trị á anh. Dù gì thì tài chính vẫn là máu, cũng là chủ đề em quan tâm nên em chọn dấn thân vô mảng này trước, với hiện tại thì kinh nghiệm của em trong mảng này tương đối lâu. Nếu đủ may em cũng muốn làm gì đó về edtech, tương lai vẫn nằm ở giáo dục ạ.
Anh mỉm cười nhẹ, như bao lần nghe đến lý tưởng “cứu thế giới” của mình. Ly cà phê dần vơi theo nhiều chủ đề khác, chỉ có góc nhìn của mình về fintech thì lại đầy thêm một chút, và đâu đó lại thêm một phần tự tin để trụ lại trong nghề product đầy thách thức này.
[1] Ý nói về việc có nhiều quan sát, bài học không chỉ về hành vi, nhu cầu và mục tiêu mà có thể còn về tư duy, cảm xúc.
[2] Ý nói về hành trình trải nghiệm của user – user journey, trải nghiệm vốn dĩ không nằm ở một bước, một thao tác, mà là cần xem xét trên toàn bộ thời gian, nỗ lực để hoàn thành một “nhiệm vụ” trên app.
[3] Ý nói về lĩnh vực, ví dụ như tài chính, giáo dục, y tế, bất động sản… (fintech, edtech, proptech…)
[4] Ý nói về các dịch vụ như thanh toán điện, nước, dịch vụ công; nạp tiền điện thoại, chuyển/nhận tiền…
[5] Ý nói về trải nghiệm người dùng – user experience
[6] Ý nói về việc ở Singapore có nhiều người nước ngoài đến sống và làm việc
[7] Ý nói về trải nghiệm khách hàng – customer experience, tham khảo thêm:
- Jennifer Henderson, “CX vs. UX: what’s the difference?”, link
- Thao Lee, “Phân biệt sự khác nhau giữa UX (user experience) và CX (customer experience)”, link
[8] Ý nói về phổ cập tài chính – Financial Inclusion – một mục tiêu nhiều quốc gia đang theo đuổi nhằm giảm bớt chênh lệch giàu nghèo, tham khảo thêm:
- Lê Phương Lan, “Phổ cập tài chính – góc nhìn từ thanh toán bán lẻ”, link
- TS. Đinh Thị Thanh Vân, “Thúc đẩy phổ cập tài chính thông qua công nghệ tài chính trên thế giới và tại Việt Nam”, link
[9] Ý mượn từ quyển sách Nền kinh Tế Trải Nghiệm của tác giả B. Joseph Pine II và James H. Gilmore
Cám ơn bạn đã nán lại cho đến những dòng cuối cùng này.
Chúc bạn nhiều may mắn và bình an.
Anpy
Leave a Reply