Một trong những tính năng thú vị giữ Py vẫn là người dùng thường xuyên của Facebook là “Memories” – nơi ký ức được cài đặt để nhắc lại. Py gặp lại note “Trưởng thành là khi…” được viết vào năm 2018 theo cách như vậy. Đọc những dòng của Py ở những đoạn đầu những chương 20 vương lại trong Py một chút buồn cười nhưng phần nhiều là ngưỡng mộ. Có lẽ, đó cũng là dấu hiệu của trưởng thành chăng – không còn nhìn mình như cách mình đã từng nhìn.
Đến hiện tại, “khẩu ngữ” vẫn vận hành như phương pháp khích lệ hiệu quả đối với bộ điều khiển nhiều công tắc của Py. Có lẽ vì những năm đó kiên trì nói với bản thân “mạnh mẽ và thành thật” nên đến thời điểm hiện tại Py may mắn chưa giữ lại cho mình những điều hối tiếc. Lại minh họa bằng chuyện phỏng vấn, trong buổi này – một phần câu chuyện Py đã kể ở bài Phẩm chất PO – Py lại được hỏi “Em biết gì về công ty?”, và câu trả lời của Py là: Dạ em biết công ty qua sản phẩm A, B, C… như một công chúng bình thường; dù vậy em phải thừa nhận là đến khi bước vào gian phòng này nhìn thấy chai nước trên bàn và được bạn HR giới thiệu em thì em mới biết đây là sản phẩm mới của công ty. Thật ra gần đây em bị thu hút nhiều hơn bởi các hoạt động đầu tư của công ty, vì sao lại có quyết định này và so các mảng kinh doanh trong toàn bộ hệ sinh thái thì hành động này có ý nghĩa gì, và tiếp theo công ty sẽ làm gì với nền tảng công nghệ sẵn có. Lần đó, Py nhận được offer ở một vị trí mà đến hiện tại vẫn là ngưỡng khiến Py tự huyễn.
Dĩ nhiên, một câu trả lời không ấn định kết quả. Py kể lại để câu chuyện 2018 đến hiện tại có phần liên kết hơn: cùng câu hỏi và Py vẫn chọn “mạnh mẽ” để “thành thật” với nhà tuyển dụng và chính mình. Chắc vì thế nên sau khi bước ra khỏi phòng họp, Py nhớ mình đã thở dài vì mỗi giây phút đều đã trọn vẹn. Tiếc là giờ đây Facebook đã không còn tính năng “Notes”, nên Py gửi lại những dòng này ở đây những dòng suy nghĩ của một mảnh hồn “rất đậm hương và rộn tiếng chim”.
Thu 2018…
Ấp ủ ý tưởng cho note này là hơn nửa tháng rồi, vượt quá giới hạn tồn tại của một ý tưởng trong đầu, vậy mà vẫn còn có thể ngồi lại và viết. Chưa kể đến việc hôm qua lap bị lỗi nữa chứ! Thôi tự tưởng cho mình một nụ cười nửa miệng. Vì trưởng thành là khi tự tháo mình khỏi những ràng buộc không đáng có mà!
Trưởng thành là khi dám từ bỏ!
Luận điểm này xuất phát từ câu chuyện nghỉ việc. Tôi mới tốt nghiệp, công việc chưa thật sự ổn định, nhưng một ngày, tôi quyết định từ bỏ tất cả, nghỉ từ việc yêu thích đến việc cần làm do trách nhiệm. Vì trong thời gian đó, tôi biết bản thân mình cần phải giải quyết những việc khác. Và đó là những đêm mất ngủ, nếu nghỉ việc, mọi người sẽ nghĩ về tôi như thế nào, công việc dang dở của tôi ai sẽ tiếp tục, thậm chí đến “thương hiệu” bản thân mà tôi cố gắng xây dựng bao lâu cũng sẽ không còn… Đây chỉ là khoảng 20% suy nghĩ chiếm đến 80% thời gian trằn trọc của tôi, loại người nghĩ nhiều luôn có những nỗi sợ kỳ lạ. Nhưng khi đã thấm mệt, tôi buộc phải từ bỏ. Và đó là quyết định không hề sai, mà cũng chẳng được gọi là đúng. Vì dĩ nhiên phải có sự trả giá, có những cái giá tôi can tâm, và cũng có sự hy sinh không mong muốn. Thế nhưng, hiện tại, tôi thấy bản thân mình nhẹ hơn hẳn (sụt đến tầm 2 kg thì nhẹ là đúng rồi), cách nghĩ cũng linh hoạt hơn, không còn những cảm giác nặng lòng sau khi quyết định. Đó là cả một quá trình để hiểu và từ bỏ chấp niệm (a), và đồng thời là thái độ cảm được từ hai chữ CHẤP NHẬN.
Cuộc sống buộc chúng ta bằng nhiều nhiều sợi: sợi gia đình, sợi công việc, sợi tình cảm… Mỗi ngày thức dậy và đối mặt với cuộc chiến: tôi muốn từ bỏ nhưng tôi không thể vì…, trong dấu ba chấm là hàng loại các lý do. Con người là loài động vật suy nhất biết bao biện, và thế là bao biện mọi nơi mọi lúc để đưa bản thân mình vào diện: tôi là người bị hại. Chúng ta thật sự đang bị hại, bởi chính bản thân mình. Mọi sợi dây là do mình tự buộc nên cũng chỉ có chính mình mới tháo ra được! Và mọi thứ đều là sự đánh đổi. Không có đúng hay sai, chỉ có phù hợp hay không phù hợp. Chưa đi đến cùng thì không biết đâu mới là sự đánh giá chính xác nhất cho mọi quyết định. Việc mà mình cần làm duy nhất là mạnh mẽ và thành thật với bản thân. Quá khứ không phải là khuôn mẫu, không nên vì đó mà ràng buộc chính mình (b), vì sự sống luôn vận động và phát triển, không ai biết được tương lai là thế nào, việc mà chúng ta có thể làm đó là biết hài lòng với hiện thực. Cầm được thì cầm, không thì cứ can đảm để buông.
“Giving up doesn’t always mean you’re weak, sometimes you’re just strong enough to let go”
Taylor Swift
Nhân tiện, RỐI LOẠN LO ÂU là tên của một loại bệnh, nó có những triệu chứng rất thông thường như đau bụng, thường xuyên cảm thấy đói, rối loạn giấc ngủ… Lâu lâu hãy tự hỏi thăm bản thân mình: Mình có đang ổn không?
Trưởng thành là khi dám thành thật!
Luận điểm này xuất phát từ số lượng ít ỏi lần đi phỏng vấn, tất cả các loại, từ phỏng vấn xin việc hay chương trình tình nguyện đến phỏng vấn xin học bổng. Như bao nhiêu “ứng viên” khác, điều mà phần đông mọi người thường làm tìm cách trả lời thật tốt những câu hỏi kinh điển: Bạn biết gì về công ty? Bạn có những điểm mạnh và điểm yếu gì? Điều gì khiến bạn tự tin nhất khi ứng tuyển vị trí này?… Khuôn mẫu của câu trả lời, ai đó gán danh chúng là “được các nhà tuyển dụng muốn nghe”, đầy trên các blogs, diễn đàn… Với bản tính của một đứa “không ngoan”, tôi vẫn hay tự hỏi: trả lời như thế thì đôi khi mình tự phải bẻ cong chính bản thân mình để “được điểm” trong mắt nhà tuyển dụng, nhưng rồi về lâu về dài, chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình nhận ra chiếc mặt nạ đó khiến mình cảm thấy khó chịu? Như vậy, vì lý do gì mà ngay từ đầu mình đã đeo chúng lên?
Vì vậy nên hầu như lần này phỏng vấn, hành trang mang theo duy nhất đó là cái chất của bản thân, bao gồm hai thành phần chính là thần thái và kiến thức. Tôi không gọi đó là tự tin, mà gọi là sự thoái mái. Khi tôi thoải mái, tôi có thể chia sẻ quan điểm của mình một cách mạch lạc và nhất quán. Để khi bước ra khỏi phòng phỏng vấn, tôi không còn cảm thấy nuối tiếc vì một phần thể hiện không tốt nào. Một kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần phỏng vấn học bổng, bằng tiếng Anh, khi được hỏi: Bạn biết gì về chúng tôi?, trong khi những ứng viên khác đang rất tự tin vì đã nhớ nằm lòng những con số cần thiết, tôi thì quên sạch tất cả bất cứ thông tin đã đọc vì tập trung vào một suy nghĩ khác: Mục đích của câu hỏi này là gì? Đôi lúc cái tính “không ngoan” này khá tai hại vì chỉ còn 1 – 2 phút thì đến lượt trả lời, một câu trả lời thiếu khéo léo sẽ là điểm chết cho mọi nổ lực. Thế là, tôi mang bản thân mình vào câu trả lời, nội dung có thể khái quát lại thế này: Như những bạn khác đã trình bày (một cách mở đầu rất “tổ lái”), em cũng được về công ty qua những thông tin như vậy. Tuy nhiên, khi tìm kiếm hay đọc về công ty, em luôn tự hỏi bản thân mình vì sao phải làm như vậy, vì để trả lời thật tốt câu hỏi này ư? Em thấy điều này thật lãng phí thời gian. Và sau cùng thì em cũng hiểu, nhờ việc này mà em hiểu về hoạt động của công ty nhiều hơn. Em quan tâm nhiều đến những hoạt động CSR, vì thông qua đây mà em thấy rõ được văn hoá của công ty, điều giúp em thuyết phục bản thân mình rằng mình thích hợp với nơi này. Và thật sự, (sau khi kể 1-2 hoạt động của doanh nghiệp), em nghĩ là em có thể “ok” khi ở đây. Khi viết lại tiếng Việt thì sắc thái ít nhiều cũng có khác, dĩ nhiên sẽ có phần tự tin hơn vì đó là lần phỏng vấn tiếng Anh đầu tiên mà tôi tham gia. Tôi biết câu trả lời của mình nghe có vẻ phần nào chống chế nhưng đó thật sự là cách mà tôi muốn giải quyết câu hỏi này. Và kết quả, tôi nhận được học bổng của ngân hàng Shinhan Việt Nam. Điều rõ ràng là một câu trả lời không làm nên tất cả, nhưng ít nhất tôi cũng thấy tự tin hơn với cách tư duy “không ngoan” của mình. Lần phỏng vấn khác với một agency PR, tôi vẫn mang theo cái chất đó, kết quả là không được nhận, và thêm một lời khuyên: Em không nên giả định mọi thứ như vậy! Tôi bước ra về và có có tiếc nuối, dù gì đây cũng là nơi mà tôi muốn được dấn thân học hỏi nhưng có vẻ ở đây, cái tôi của tôi không được chào đón.
Thế là này sinh thêm vấn đề mới, nơi đâu sẽ thích hợp với tôi? Và vì “khác biệt là chết”, tôi có nên thay đổi? Vấn đề này thật sự khó xơi. Nghiên cứu tâm lý học cho thấy nếu bạn hỏi một câu hỏi mà số đáp án bạn nhận được theo tỷ lệ 50/50 đúng hoặc sai thì không ai biết chính xác đáp án. Và đó chính là những gì tôi nhận được khi tham vấn người quen về vấn đề này. Cũng phải là một quá trình sau đó, tôi tự rút ra cho mình được kết luận: Hãy cứ mạnh mẽ và thành thật! Trong thời đại của “cái đuôi dài” (1), chúng ta không còn bị động như trước nữa, bỏ ra nhiều hơn cố gắng và thời gian và rồi chúng ta sẽ tìm được cái mà mình mong muốn. Đây có thể nói là sức mạnh của “khẩu ngữ” (2), hay niềm tin (3), hoặc là do sự tồn tại của “Bí mật” (4). Cuộc sống này là hàng hà sa số của bí ẩn, đôi khi học tin vào một cái gì đó mà mình chưa hiểu căn cứ cũng là điều nên thử. Con người là sinh vật kỳ lạ, nếu muốn tin là tự cho mình vạn lý do để tin còn không thì dù sự thật có phơi bày, trong lòng vẫn trông mong giá như chưa từng biết đến.
Mượn câu chuyện từ việc đi phỏng vấn, tôi nhận ra rằng, chúng ta hoá ra có thể lừa dối cả thế giới nhưng không bao giờ lừa được bản thân mình. Vì thế, nếu biết đã không thể nói dối, thì sao còn cố gắng dựng kịch lên làm gì.
Trưởng thành là khi mạnh mẽ và thành thật!
Mỗi chúng ta sẽ có một khái niệm khác nhau về trưởng thành! Đối với tôi, trưởng thành chỉ là khi tôi mạnh mẽ và thành thật. Mạnh mẽ để thành thật, và thành thật để thấy mình mạnh mẽ!
Ngày bé tôi thành thật, tôi cười khi tôi được ăn kẹo hay được mua quà vặt cho. Nhưng không hề mạnh mẽ, vì tôi dễ buông xuôi và không làm được việc gì cho đến nơi đến chốn. Sức bền của một đứa trẻ khá là ít. Lớn hơn rồi tôi mạnh mẽ, về cả thể chất lẫn tinh thần đều đã tích đủ lượng để kéo dài việc thực hiện một điều gì đó. Nhưng tôi lại không thành thật, tôi không thể nói lên điều gì mà mình nghĩ, buộc bản thân làm những điều mà mình không thích đến mức khiến mình thấy khó chịu và tự đánh mất đi những giá trị cảm xúc quý báu… Đó là một câu chuyện buồn!
Chúng ta không nhận ra mình yếu đuối cho đến khi gục ngã, không chấp nhận mình sai cho đến khi không còn níu kéo được cái đúng giả tạo. Vì vậy mà mới cần mạnh mẽ, để đối mặt với mọi thứ, và kẻ thù lớn nhất: nỗi sợ. Chúng ta hay sợ vu vơ! Sợ sự không hoàn thiện của bản thân. Tuy nhiên, có một khái niệm được nhắc khá nhiều trong các môn khoa học, “điều kiện lý tưởng”, đồng nghĩa không có gì là hoàn hảo tồn tại. Thế nên hãy mạnh mẽ để chấp nhận thực tại. Và cũng cần thành thật! Có một điều mà mọi người vẫn truyền tai nhau, lời nói dối nói hơn 100 lần sẽ thành sự thật, nhưng bản chất vẫn là nói dối và chỉ cần 1 người biết sự thật đó tồn tại thì lời nói đó sẽ mãi là dối trá. Người đó là chính chúng ta. Chúng ta cứng đầu hơn bản thân mình nghĩ. Vì có những khái niệm được gọi là bản chất thì không thể thay đổi. Hãy thành thật, với những gì bản thân mình muốn!
Và hiện tại, tôi vẫn chưa thể hoàn toàn mạnh mẽ và thành thật. Vì tôi vẫn đang trưởng thành!
Ngày mai có thể tôi lại sẽ khác, nhưng sẽ luôn mạnh mẽ và thành thật!
(a) Ý từ quyển “Sức mạnh của tĩnh tâm” của tác giả Hải Hoa
(b) Ý từ quyển “Vương quốc sáng tạo” của tác giả Ed Catmull
(1) Ý từ quyển “Cái đuôi dài” của tác giả Chris Anderson
(2) Ý từ quyển “Thất bạn lớn, thành công lớn” của tác giả Scott Adam
(3) Ý từ quyển “Để hôm nay trở thành tuyệt tác của tác giả John C. Maxwell
(4) Ý từ quyển “Bí mật” của tác giả Rhonda Byrne
CÁM ƠN!
Để có thể viết nên những dòng này, bản thân tôi không đủ sức mạnh và niềm tin để nhìn nhận tất cả vì không ai trong chúng ta là tồn tại riêng biệt.
Cám ơn gia đình vì đã dung thứ cho sự ích kỷ của con, cám ơn đã cho con lần nữa được ủ ấp trong sự bình yên và dung thứ! Trước khi nhắm mắt đi ngủ mỗi đêm, con sẽ nhớ đến nụ cười của nhà mình, rạng rỡ trong khổ đau, sức mạnh của những người phụ nữ trong gia đình không có đàn ông.
Cám ơn cô Nhi, dù rất bận rộn nhưng vẫn dành thời gian để trò chuyện cùng một đứa sinh viên cứng đầu và đang lớn như em. Cám ơn cô vì đã thông cảm cho quyết định đường đột của em. Em vẫn ngưỡng mộ rất nhiều sự tự tin của cô! Chúc cô luôn thành công và hạnh phúc!
Cám ơn các chị và các anh ở Shinhan và Living Dream, trong quá trình làm việc với các chị và các anh, em thấy bản thân mình cũng trưởng thành hơn nhiều! (Hẹn 1 post nữa em sẽ “sến súa” về những kỷ niệm này!)
Cám ơn cô Ngọc, chị Châu, những người mà con/em từng nhắc đến như là “phụ huynh” nhưng lại thương con/em như “con gái của cô”, “em gái của chị”. Cũng cần cám ơn lắm chữ “duyên” ở đời!
Cám ơn các anh chị em, bạn bè đã luôn bên cạnh một đứa lì, cứng đầu, khó gần và khó tính. Chịu nghe nó khóc, nghe nó xàm qua mấy buổi cà phê, mấy “nồi cháo” điện thoại thâu đêm. Cám ơn chị Panda của em, lúc “tán” lúc “nựng” mà nhờ vậy em lớn hơn được, may là chị hết cưng em đúng lúc, không là em lại nhõng nhẽo miết!
Cám ơn FTU2 nữa nha, hẹn một ngày không xa sẽ trở lại!
Cuối cùng, cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương!
Link bài viết gốc: https://www.facebook.com/notes/1050733115378709/
Leave a Reply