“Nói” là kỹ năng bắt buộc mà mọi PO phải thông thạo, dĩ nhiên không chỉ dừng lại ở việc biết sử dụng cơ hàm một cách thuần thục mà quan trọng nhất chính là tư duy chọn từ nhả chữ. Mặc định, nói được xem như kỹ năng mềm nên cũng không có tiêu chuẩn rập khuôn để đánh giá nói “tốt” hay không, miễn đạt được mục đích cuối cùng của đoạn trao đổi thì xem như người nói đã thành công. Dù vậy, cũng có một vài khẩu quyết Py may mắn góp nhặt trong mấy năm hành nghề, nên Py viết lại đây, mong rằng nói sẽ không chỉ là lợi thế của những người hướng ngoại.
“Theo cách nói nông dân của anh thì…”
Đây là lời mở đầu mang đậm tính thương hiệu của một anh Product Manager mà Py có may mắn làm việc cùng ở MoMo. Đến những đoạn cần kết luận action items là gì hoặc confirm lại cách hiểu về vấn đề đang được mô tả, anh sẽ chêm vào đoạn này. Đối với Py, cụm từ tưởng chừng như chỉ mang tác dụng làm dịu không khí tranh luận này vô tình trở thành “mẹo” thú vị để “đơn giản hóa vấn đề”.
Lý giải về hình tượng “nông dân”, thường khi nghe đến từ này, dù không muốn thì cả người nói và người nghe đều sẽ có xu hướng lái tư duy của mình về hướng đơn giản nhất có thể, đến mức một người nông dân không có quá nhiều hiểu biết về lĩnh vực này cũng có thể thẩm thấu trong thời gian ngắn. Do đó, để có thể nói ra vấn đề theo cách đơn giản và cốt lõi, người nói, mà trong ngữ cảnh này chính là PO, cần hiểu thật rõ rật kỹ mục đích và các dữ liệu đang có hiện tại. Diễn đạt càng đơn giản, chính xác thì gần như chắc chắn sẽ giảm số lượt trao đổi giữa các bên, và gián tiếp rút ngắn thời gian đưa ra quyết định.
Về ứng dụng trong công việc hàng ngày, gần như lúc nào cần trao đổi Py cũng sẽ áp dụng tư duy này, chỉ là cách dùng từ sẽ được điều chỉnh để phù hợp với người nghe. Chẳng hạn, khi cần confirm lại vấn đề, Py sẽ mở đầu bằng: “Như vậy về bản chất thì…”, “Về cơ bản…”, “Nói theo cách đơn giản thì…”, sau đó là đoạn tóm tắt súc tích về những gì Py vừa trình bày hoặc tiếp nhận. Thường thì cách tư duy và diễn ngôn này Py sẽ áp dụng trong các buổi họp kick off để làm rõ mục tiêu, yêu cầu; cũng như buổi grooming, solution review, để đảm bảo “từ đầu đến cuối” chỉ có một “mong muốn” cần được đáp ứng.
“Context là…”
Đây là nét văn hóa có thể được xem là đặc trưng ở Zalopay, ít nhất là so với các công ty Py từng làm việc qua. Gần như các teams, từ business đến tech; các levels, từ executive đến C-level đều có thói quen đề cập đến “context” – ngữ cảnh – trong mọi đoạn trao đổi. Ví dụ, khi brief lại cho Py về task cần làm – chẳng hạn như build thêm 1 component nào đó, chị Manager luôn kèm theo thông tin cụ thể về ngữ cảnh mà component này sẽ được sử dụng. Từ đó, với vai trò là người nhận task, Py cũng sẽ có thêm cơ sở để cân nhắc xem thật sự component có phải là giải pháp tối ưu chưa hoặc có cách nào khác mà vẫn giải quyết được vấn đề của ngữ cảnh lại vừa tiết kiệm time-to-market (TTM).
Đối với Py, cách tiếp cận này tương đối “healthy” vì giúp team members giúp nhau giảm tác động của Thiên kiến trải nghiệm sẵn có (Availability Heuristic). Đồng thời cũng vô tình mang đến tác dụng phụ là bình quân domain knowledge của teams khi mọi thông tin đều được thẳng thắn chia sẻ.
Dĩ nhiên, “context là” không dừng lại ở cách nói mà còn là tư duy. Giữ ý niệm về “context” ít nhiều sẽ giúp PO luôn hướng giải pháp đến vấn đề thực sự cần giải quyết, hạn chế bị cuốn theo “the way” mà dần dần xa rời “the goal. Ngoài ra, mang mindset cởi mở sẵn sàng chuyển giao thông tin phần nào cũng sẽ giúp PO nhìn vấn đề từ nhiều góc độ, giảm thiểu các mệnh đề “em tưởng” khi phân tích.
Luyện ngôn cũng giống như một hành trình không có hồi kết, nơi mỗi PO đều phải không ngừng thực hành và cải thiện. Nói – dù dưới dạng câu chữ hay qua cách truyền tải trực tiếp – không đơn thuần chỉ để truyền đạt thông tin, mà còn cơ sở vun đắp niềm tin giữa các bên, từ stakeholders đến team members. Bởi vậy, khi đã chọn con đường làm sản phẩm – một cuộc chơi bắt buộc phải đi cùng đồng đội – điều tiên quyết vẫn là lời nói của bạn phải mang giá trị. Giá trị ấy nằm ở sự đơn giản, rõ ràng, đánh đúng trọng tâm, và luôn đặt người nghe làm ưu tiên. Hoặc cũng có thể hiểu, trên hành trình làm sản phẩm, nói bắt buộc phải là thế mạnh của PO, vì kỹ năng này là chìa khóa duy nhất mở ra cánh cửa của sự thấu hiểu và hợp tác.
Tuy nhiên, để biến nói thành thế mạnh, không chỉ cần vốn từ phong phú hay cách diễn đạt mượt mà, mà còn đòi hỏi khả năng lắng nghe. Vì suy cho cùng, một câu nói chỉ thực sự có sức nặng khi nó bắt nguồn từ sự thấu hiểu: thấu hiểu nhu cầu của stakeholders, bối cảnh vấn đề, và cảm xúc của người nghe. Một chủ đề mà chắc chắn Py sẽ còn đào sâu hơn trong những bài viết tiếp theo.
Cám ơn bạn đã nán lại cho đến những dòng cuối cùng này.
Chúc bạn nhiều may mắn và bình an.
Anpy
Leave a Reply