Thời không gọi tên là khi nhìn thấy tất cả mọi người xung quanh đều tiến về phía trước còn mình thì vẫn đứng lại ở một vị trí; là khi thấy bản thân quẩn quanh trong những công việc lặp đi lặp lại, không thể thay đổi cũng không can tâm giữ mọi thứ yên vị… Và là vài đoạn thời gian khó khăn Py từng trải qua trong những ngày làm nghề của mình.
Cụ thể, Py từng đi qua vài đoạn đứng yên ở một vị trí đúng nghĩa đen, không tìm được cơ hội thăng tiến như bản thân kỳ vọng. Và dĩ nhiên, với suy nghĩ “Người giỏi sẽ biết cách tìm vị trí riêng cho mình”, Py bắt buộc phải tìm được lời giải xác đáng cho bài toán này. Hành trình “lột hành” bắt đầu, Py ngồi xuống viết lại thường xuyên hơn những gì mình làm được và chưa làm được, làm thêm dự án để hoàn thiện nhiều kỹ năng thậm chí công việc hiện tại cũng chưa đòi hỏi đến, đưa bản thân ra trước “vành móng ngựa” để được nhận xét, được góp ý; và chắc chắn không thiếu việc trao đổi cụ thể với Leader về mong muốn cũng như những gì nên làm cho đợt đánh giá sắp tới. Dù vậy, khi thời không gọi tên thì Picaso cũng chỉ là một kẻ nổi loạn và nguy hiểm giữa Paris – thành phố ông gọi là nơi duy nhất trên thế giới xứng đáng để sống.
Giai đoạn đó được đo bằng “năm”, từ những ngày đầu tràn đầy năng lượng liên tục tự đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn, khám phá những vùng kiến thức mới, Py đi tiếp những ngày đắm mình trong bể suy nghĩ tiêu cực “I’m not good enough”1. Lo âu thật sự vừa là món quà nhưng cũng là bãi tha ma của trưởng thành. Dĩ nhiên, Py của hiện tại đã bước qua những ngày đó, để có thể viết lại – bằng tất cả sự biết ơn – những bài học Py sẽ tiếp tục mang theo trên con đường phía trước .
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
Càng lớn Py lại càng thấy bản thân mình nhỏ bé, càng nhìn thấy thế giới xung quanh muôn hình vạn trạng. Có những thứ nắm được trong lòng bàn tay và cũng có những thứ mãi ở ngoài tầm với. Do đó, với Py, biết mình và giữ mình là bậc thềm vững chãi cho những bước dài.
Bản thân “biết mình” cũng đã là một hành trình. Py thường hay kể với các bạn trẻ về 3 câu hỏi Py sẽ thường xuyên hỏi bản thân: “Py đến trái đất này để làm gì?”, “Py chọn đi làm để làm gì?”, và “Vì sao Py chọn chuyên môn hiện tại?”. Về sau Py có tìm hiểu thêm thì ba câu hỏi này có thể được xem là “Py’s version” của Ikigai2. Điểm giao của ba câu trả lời cho Py động lực thức dậy, hít thở và đi làm mỗi ngày. Thật ra cũng có giai đoạn mọi thứ trở nên chệch choạng, thậm chí Py cũng tự hoài nghi về Ikigai của mình, rơi vào những đoạn khủng hoảng hiện sinh3. Chỉ là dần dần Py học được cách thích nghi với sự bất ổn – vì bất ổn mới là tính chất thực của cuộc sống, luôn vận động và thay đổi. Điều duy nhất chưa dịch dời là ham muốn sống một đời trọn vẹn và ý nghĩa. Còn ở môi trường chuyên nghiệp, từ những ngày đầu, Py may mắn được “dạy” về việc làm SWOT4 định kỳ. Thật sự thì không hẳn lúc nào Py cũng đủ kỷ luật để làm bài tập này nghiêm túc, nhưng ý thức về việc ghi nhận và tự đánh giá bản thân thì vẫn luôn tồn tại, nên Py lại có rất nhiều SWOT “Py’s version”. Kể cả trang blog nhỏ anpylogue cũng là nơi Py ký gửi cách tự nhìn nhận chính mình ở mỗi giai đoạn, từ giá trị cốt lõi đến điểm mạnh, điểm yếu (so với vị trí/chuyên môn đang theo đuổi).
Đến đoạn “giữ mình” lại tiếp tục là một hành trình khác. Nếu như địa nói đến những yếu tố có thể thay đổi nhưng khó thì thiên lại là những phần hoàn toàn không thể thay đổi. Ẩn nhẫn vừa là đức tính, vừa là kỹ năng. Và hành trình “giữ mình” – theo Py – chỉ đơn giản là chấp nhận phần thiên thời và học cách thích nghi với phần địa lợi. Cách đơn giản và hiệu quả nhất để lọc được nhóm thiên và địa là cứ cố hết sức thay đổi cho đến khi không thể. Thế nhưng, tất cả chúng ta đều bị giới hạn bởi thời gian, nên không thể lúc nào cũng sống như một con thiêu tân. Quan sát và lắng nghe câu chuyện trải nghiệm của người khác cũng có có tác dụng kiểm nghiệm trong nhiều trường hợp. Hay nói đơn giản hơn, hãy tìm cơ hội học thêm từ trải nghiệm của người khác nữa. “Learn every day, but especially from the experiences of others. It’s cheaper!”
“You are only as good as you can communicate”
Gần đây Py có xem đoạn chia sẻ ngắn nhưng mang đến nhiều suy nghĩ của anh Vinh Giang, mong là bạn cũng có thể dành ít thời gian để xem qua ở đây. Thật ra với đoạn chia sẻ này, Py nhìn theo cả hai hướng: đối thoại với thế giới và đối thoại với chính mình.
Học cách nói cho thế giới nghe chúng ta “giỏi” như thế nào dĩ nhiên là điều thiết yếu có được công việc mong muốn hoặc thậm chí là mức lương mơ ước. Với những vị trí công việc đòi hỏi kỹ năng giao tiếp như PO thì ngay từ những vòng tuyển dụng đầu tiên, ứng viên đã phải thể hiện rõ năng lực này. Và để bổ trợ cho phần nói, chắc chắn cũng cần phải chuẩn bị sẵn danh sách dẫn chứng – trải nghiệm – để mỗi luận điểm thêm phần sâu và đáng tin cậy.
Nhưng quan trọng hơn là nên học cách nói bản thân mình giỏi thế nào. Có một câu thoại trong bộ phim Câu chuyện hoa hồng mà Sếp Khương dành cho Hoàng Diệc Mai mang đến cho Py nhiều ấn tượng: “Người khác không giới hạn mình, thì tại sao mình phải tự giới hạn bản thân.” Bài học này đến thời điểm hiện tại Py cũng không nhớ đã phải học lại bao nhiêu lần. Cuộc đời thật kỳ lạ, có những bài kiểm tra, dù đã biết trước đáp án nhưng vẫn không dám viết xuống, cứ phải sai để trải thêm một lần nhớ, một lần nghiệm. Ngoài việc tin vào phần “nhân”, Py nghĩ những người xung quanh cũng đóng vai trò quan trọng để mỗi khi tiếng nói bên trong bảo rằng “I’m not good enough”, sẽ có lời phản hồi từ bên ngoài đáp lại: “Anh đâu có ngạc nhiên, cô thừa sức mà”, “Chị biết năng lực em thế nào”… Hoặc ít nhất, luôn có vài dòng dưới đây dành cho bạn:
Py tin mỗi người đến thế giới này đều mang một sứ mệnh và ai trong chúng ta cũng đang cố gắng theo đuổi mục tiêu, trong khung thời gian của chính mình. Nên Py mong mỗi chúng ta trước hết hãy tự tán dương vì chặng hành trình không ngừng nghỉ vừa qua, vững tin vào bộ hành trang mình đang có và mạnh dạn sải bước hướng đến điều bản thân hằng theo đuổi. Hẹn gặp lại ở đỉnh vinh quang!
“Hạnh phúc không chỉ là đích đến, mà là cả cuộc hành trình.”
Có lẽ chúng ta sẽ không biết khi nào mình được gọi tên, do đó, điều duy nhất có thể làm là kiên trì chuẩn bị để khi được gọi, chúng ta đã sẵn sàng trở thành một bản thân rất khác. Nhưng, liệu có một khả năng nào đó, một phần trăm nhỏ nào đó, mình sẽ bị thời bỏ quên?
Tương tự như việc: bạn có tin vào định mệnh hay không, nếu đã biết trước kết quả, bạn sẽ làm gì? Thật lòng, Py nghĩ có cái gì đó được gọi là “định mệnh”, nhưng không đến điểm cuối của thời gian thì không ai biết chính xác “định mệnh” là gì. Nên, có vẻ, “định mệnh” có thể là cách chúng ta tự gán niềm tin cho một kết quả nào đó và ở một chặng nào đó. Nếu vậy, Py sẽ chọn gửi năng lượng ở những điều tích cực, hướng Py đến ý nghĩa tồn tại của mình – Ikigai, hoặc đơn giản là câu trả lời cho ba câu hỏi ở trên.
Thêm nữa, vẻ đẹp của cuộc sống đôi khi không nằm ở đích đến mà là hàng vạn chặng hành trình ý nghĩa dọc đường. Chẳng hạn sau khi đã luyện trả lời phỏng vấn, chỉnh sửa CV, xây dựng thương hiệu cá nhân hoàn chỉnh nhưng vẫn không có được công việc mong muốn. Dù vậy, nhìn lại, bạn đã là một “bạn” rất khác, có thể tự tin nói về bản thân mình, về những gì mình đã làm cùng anh chị em đồng nghiệp, và tự làm đầy năng lượng cho những chặng sắp tới; hoặc thậm chí là những mối quan hệ bền chặt khi bạn mạnh dạn kết nối và chia sẻ, những trải nghiệm mới mà bản thân 2-3 năm tới sẽ vẫn tự hào.
Cứ đi rồi sẽ đến, đến đích hay đến chặng dừng chân đều là “đến” mà!
[1] “I’m not good enough”, lời thoại từ bộ phim Inside Out 2.
[2] Ikigai là một khái niệm trong văn hóa Nhật Bản, đề cập đến thứ/ điều gì đó mang lại cho mỗi người ý thức về mục đích, lý do tồn tại trong cuộc sống. (Wikipedia)
[3] Khủng hoảng hiện sinh (existential crisis) là những cảm xúc; và nỗi băn khoăn không biết bạn phải làm gì để tạo ra ý nghĩa và mục đích cho cuộc đời của mình.
Nếu có duyên, Py hy vọng bài viết này sẽ đến bên bạn ở cả giai đoạn thời đến hay không, vì ở chặng nào thì việc vững tin vào giá trị của bản thân cũng có nhiều ý nghĩa. Đồng thời, tương tự như những bài viết khác, Py cũng để ngỏ nhiều luận điểm (vẫn chưa) giải quyết triệt để, ví dụ như đoạn “học thêm từ trải nghiệm của người khác”, hy vọng sẽ nhận được thêm phản hồi để cùng mổ xẻ thêm về chủ đề này.
Cám ơn bạn đã nán lại cho đến những dòng cuối cùng này.
Chúc bạn nhiều may mắn và bình an.
Anpy
Leave a Reply